Tình yêu thương giữa con người với con người đã làm nên sự bất tử.
Cùng với Sêkhốp và Ghi đơ Môpatxang, Ô. Henry là một trong những bậc thầy của thế giới về truyện ngắn. Tên tuổi và tác phẩm của ông tồn tại mãi trong sự yêu thích của người đọc khắp nơi trên thế giới vì niềm tin của ông vào con người và cuộc sống, vì cái nhìn vui vẻ và yêu đời của ông trước những thăng trầm của số phận con ngườ, đặc biệt là những con người nghèo khổ, bất hạnh.
Tình yêu thương giữa con người với con người đã làm nên sự bất tử.Giữa dòng chảy xô bồ của mưu sinh, giữa toan tính và ganh ghét, tình yêu thương ở đâu đó vẫn lặng lẽ toả sáng. O. Henry - nhà văn hiện thực xuất sắc của Mỹ đã rất thành công khi diễn đạt điều đó trong tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của mình. Trong tác phẩm này, ông đã phản ánh một cách sâu sắc tình yêu thương giữa những người cùng khổ, giữa những hoạ sĩ nghèo Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ-men mà nổi lên, toả sáng hơn cả đó chính là hình tượng Bơ-men - một đấng xả thân với nhân cách cao đẹp và sự hi sinh cho người khác. Chính tình yêu thương giữa con người với con người đã làm nên sự bất tử của cụ Bơ-men.
Cụ là một hoạ sĩ nhưng nghèo. Cụ mơ ước vẽ được một kiệt tác để lại cho đời. Rồi một ngày kia, khi những con gió mùa đông bắc tràn về, hơi thở lạnh lẽo của nó bao trùm cả thành phố Oa-Sinh-Tơn còn bàn tay gầy gò, những xương là xương của nó thì ôm lấy, dày xéo những con người ốm yếu, mỏng manh. Giôn-xi mắc bệnh sưng phổi. Căn bệnh sẽ dễ mất đi nếu cô dược chăm sóc chu đáo và thuốc thang đầy đủ. Nhưng nghèo túng khiến cô tuyệt vọng, cô không muốn sống nữa. Cô quẫn trí, đánh cược tính mạng mình vào chiếc lá thường xuân cuối cùng. Xiu đau đớn, buồn bã, cô hết lòng an ủi Giôn-xi mãi nhưng Giôn-xi chẳng chịu nghe mà trái lại cô tàn nhẫn ra lệnh kéo chiếc mành mành lên mỗi ngày để xem chiếc là thường xuân đã rụng chưa. Xiu không biết làm thế nào đành đem chuyện kể với cụ Bơ-men. Đánh cược cuộc đời mình váo chiếc lá thường xuân cuối cùng ư? Ngốc nghếch quá chừng. Chiếc là ấy thật mỏng manh so với cơn gió mùa đông lạnh lùng kia, nó có thể thổi bay chiếc lá yếu ớt bất cứ lúc nào. Chiếc lá rụng tức Giôn-xi lìa đời. Chắc Giôn-xi mất trí thật rồi, bệnh tật, nghèo túng khiến cô mất hết niềm tin, mất hết hi vọng sống.
Ấy vậy mà cô vẫn sống, vẫn qua khỏi. Mừng thay. Nhưng chưa hẳn đã vui vẻ. Để cho Giôn-xi được sống, ta đã phải hi sinh một mạng người. Sau cái đêm bão tố, mưa gió, tuyết rơi, kì diệu thay chiếc lá thường xuân bé bỏng, nom yếu ớt kia vẫn kiên cường bám trụ và giữ lại mạng sỗng cho Giôn-xi. Tưởng chừng như một bàn tay vô hình nào đó của thần linh đã giúp đỡ vậy nhưng không, đó là bàn tay tài năng của một người hoạ sĩ già giàu đức hi sinh, giàu tình yêu thương - cụ Bơ-men. Trong cái đêm mưa gió khủng khiếp ấy, cụ Bơ-men đã một mình vẽ chiếc lá thường xuân cuối cùng, chiếc lá đã cứu sống Giôn-xi. Vẽ trong đêm mưa to gió lớn đối với một người già như cụ quả là khó khăn vô cùng, ấy vậy mà cụ vẫn hoàn thành bức vẽ thật sống động, thật có hồn. Đó là tình yêu thương giữa con người với con người, tình yêu đó đủ để cụ Bơ-men bất chấp thiên nhiên khắc nghiệt, coi thường tính mạng mình để hi sinh cho người khác. Chính tình yêu đó đã trở thành xúc cảm, thành đòn bẩy để cụ hoàn thành tác phẩm, hoàn thành kiệt tác của mình. Sức mạnh đó thật mãnh liệt, thật nóng bỏng, dữ dội và diệu kì. Bốn mươi năm qua cụ không vẽ được một kiệt tác, nay, trong đêm bão tố đó, cụ đã vẽ được một kiệt tác, một kiệt tác vĩ đại mà cái chất liệu của nó đố ai mua nổi, chất liệu của lòng vị tha, sự hi sinh và tình yêu thương mãnh liệt.
Nhưng Giôn-xi được sống ta mất đi một linh hồn. Một linh hồn ra đi nhưng không biết mình để lại một kiệt tác cho đời. Cụ ra đi nhưng cái kiệt tác đó làm người ta nhớ mãi như hình ảnh cụ hiện diện vậy. Cụ thật vĩ đại, nhân hậu. Chao ôi, tình yêu của cụ mới to lớn, mênh mông làm sao, nó đủ để quật ngã cả mưa giông, bão tố, đủ để cứu sống tính mạng cho một con người. Cụ Bơ-men, cái chết của cụ không hề hoài phí, ý nghĩa của nó cao quý vô cùng. Cụ bất tử. Cụ để lại cho đời một kiệt tác của tình yêu thương.Vậy đấy, chính tình yêu thương đã làm nên sự bất tử của cụ Bơ-men. Ta nhớ mãi hình ảnh một lão già cặm cụi trong đêm mưa gió với tác phẩm chiếc lá cuối cùng của mình với tình yêu mãnh liệt, phi thường.
Nếu xã hội này, ai cũng được như cụ Bơ-men thì tốt biết bao. Mặc dù một linh hồn đánh đổi một linh hồn nhưng linh hồn kia ra đi mà không vô nghĩa hay nói cánh khác cụ không chết mà cụ sống mãi với thời gian, với đất trời, với tâm hồn của Giôn-xi, của Xiu, của tất cả mọi người và hơn hết cụ bất tử với tình yêu thương thánh thiện, cao quý, vô giá của cụ.
Nguyễn Xuân Thục Anh (Lớp 8/4 Trường THCS Lê Văn Thiêm)