Việc cấy ghép máu rất bất bình thường dường như đã chữa khỏi bệnh cho một người đàn ông Mỹ nhiễm Aids hiện sống ở Berlin, song các bác sĩ cho biết, phương pháp này là không thực tế nếu áp dụng rộng rãi.
Người đàn ông đang ở độ tuổi 40 này đã cấy ghép tế bào gốc tạo máu vào năm 2007 để điều trị bệnh bạch cầu. Người hiến tặng không chỉ có máu phù hợp với anh mà còn có sự biến đổi gien có thể kháng được virus HIV một cách tự nhiên. Hiện tại – 3 năm sau đó, người đàn ông này không có dấu hiệu của bệnh bạch cầu hay HIV – một báo cáo đăng trên tạp chí Blood cho hay.
“Đây là bằng chứng thú vị về một phương pháp kì diệu giúp một bệnh nhân HIV có thể được chữa khỏi”, song nó quá nguy hiểm để trở thành một phương pháp điều trị tiêu chuẩn ngay cả khi tìm thấy người hiến tặng phù hợp – Tiến sĩ Michael Saag tới từ ĐH Alabama, Birmingham cho hay. Ông là cựu chủ tịch của Hiệp hội Y học HIV – một tổ chức của các bác sĩ chuyên điều trị Aids.
Cấy ghép tủy xương – hay ngày nay được gọi phổ biến hơn với cái tên tế bào gốc tạo máu – được sử dụng để chữa bệnh ung thư. Những rủi ro ở người khỏe mạnh khi tiến hành phương pháp này chưa được biết đến, trong đó bao gồm việc phá hủy hệ thống miễn dịch tự nhiên của con người bằng các loại thuốc và phương pháp phóng xạ mạnh, sau đó thay thế nó bằng tế bào của người hiến tặng để phát triển một hệ thống miễn dịch mới. Tỷ lệ tử vong ở phương pháp này hay các biến chứng của nó có thể là 5% hoặc cao hơn – Tiến sĩ Saag nói.“Chúng tôi không thể áp dụng phương pháp này với những người khỏe mạnh vì nguy cơ rủi ro là rất cao”. Trừ khi người nhiễm HIV cũng bị ung thư, nếu không phương pháp cấy ghép sẽ không có khả năng được tính đến – ông nói.