Tôi gặp bạn vào những ngày đầu tháng 8. Sáng hôm đó, chúng tôi- những sinh viên vừa chân ướt chân ráo lên thành phố bước vào giảng đường Đại học. Chưa hết bỡ ngỡ vì những điều diệu kì của Sài Gòn, chúng tôi đã được đưa vào TT GDQP, nơi mà những tân sinh viên của trường ĐH KHTN sẽ được tập huấn những bài học về chính trị, quận sự, như một hành trang rất tốt cho chúng tôi khi chuẩn bị đối mặt với những khó khăn thử thách sẽ gặp phải sau 1 tháng nữa. Và một trong những điều tôi rất thích đó là chúng tôi được ăn ngủ sinh hoạt chung với nhau, và tình bạn của chúng tôi cũng bắt đầu từ đó.
“Tui tên là Thái, Lê Trung Thái”, cái cách xưng hô quen thuộc của người miền Tây làm tôi chẳng thấy xạ lạ khi bắt chuyện với Thái. Thái ít nói lắm, họa chăng có chuyện gì cần nói lắm, bạn mới mở lời. Nhưng trong những lúc học tập lại khác, bạn luôn đưa ra những ý tưởng rất sáng tạo, rất mới giúp cho cả nhóm học tập được tốt hơn.
Đó là cái đêm cuối cùng ở TT GDQP, cái đám sinh viên tụi tôi chẳng đứa nào ngủ được, lòng thì háo hức sắp được về nhà nhưng cũng rất buồn vì sau này sẽ chẳng còn có thể ăn ngú sinh hoạt cùng nhau như vậy nữa. Và đó cũng là cái đêm mà những người con xa quê hương như chúng tôi tâm sự về cuộc sống của mỗi người. Đứa nào cũng có những nỗi niềm riêng nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với Thái về hoàn cảnh không được khá giả nhất so với những đứa còn lại. Thái sinh ra trong một gia đình có năm anh chi em, Thái là người em thứ tư và cũng là anh của một cô bé mới vào tiểu học. Những đứa khác khi sinh ra đã sống trong ngôi nhà của riêng mình nhưng Thái thi không, suốt 20 năm trời, gia đình Thái luôn ở nhà thuê và cứ lâu lâu lại phải chuyển chổ từ nơi này tới nơi khác. Ba bạn làm nghề xe ôm, cái nghề mà thật sự khi những phương tiện công cộng phát triển, nó cũng muốn trôi dần theo năm tháng. Hàng năm, người cha vẫn cái vóc dáng lom khom ấy vẫn bắt chuyến xe lên Sài Gòn vào những diệp Tết để tranh thủ chạy kiếm thêm chút tiền cho con ăn học. Nhưng sức khỏe của ông ngày càng không tốt, ông ít chạy nhiều hơn, và rồi tất cả sáu miệng ăn gần như phải trông chờ vào cái hàng cá của mẹ Thái với thu nhập thật bấp bênh. Thái tâm sự nhiều lúc cái nghèo vùi dập quá, có khi buổi cơm tối của cả nhà chỉ vẻn vẹn một gói mì tôm nấu chung với rau muống. Ba anh chị của Thái vì nghèo quá nên học hết cấp 1 đều đã nghi học tất bật bươn chải cho cuộc sống mưu sinh của gia đình. Dường như mọi hy vọng lớn lao đều dành cho người em thứ tư này, cái hy vọng học tập thoát kiếp nghèo. Thái kể:” Ngày tui chuẩn bị lên Sài Gòn học đại học, ba tui đã dậy từ sáng sớm kiếm vài cuốc xe ôm kiếm thêm ít tiền, mẹ thì chạy mượn tiền khắp họ hàng. Nhìn ba mẹ tui thương quá mà không biết làm gì…”. Chúng tôi lặng im nghe từng lời nói của bạn mà hình như trong đó có cả những giọt nước mắt.
Hoàn cảnh đẩy đưa là thế nhưng chưa bao giờ tôi nghe Thái than thở một lời về cuộc sống khó khăn của mình. Bạn xem nó là động lực để tiến lên và không đầu hàng số phận. Thái học rất khá trong lớp, bạn lại rất tích cực tham gia những hoạt động có liên quan đến học thuật và dường như không bỏ qua một buổi sinh hoạt nào có liên quan đến vấn đề học tập. Thái có một thói quen là rất thích đọc sách, mỗi lần vào thư viện là tôi đã thấy bạn ngồi trong đó từ lúc nào, nhưng đó chỉ là những điều mà những người không biết thấy được. Thái hay vào thư viện vì bạn chẳng có đủ tiền mua sách để đọc…
Chăm chỉ học tập là thế nhưng chưa bao giờ bạn bỏ qua những hoạt động tình nguyện. “Hiến máu tình nguyện”,” Tiếp sức mùa thi”…, đó chỉ là một trong số những hoạt động bạn tích cực tham gia.
Bước vào giảng đường đại học, đồng nghĩa ta đang mang trên người một trách nhiệm quan trọng. trách nhiệm dựng xây đất nước này. Và để làm được điều đó, mỗi sinh viên chúng ta cần có những cố gắng nỗ lực thật sự. Lê Trung Thái thật sự là một điển hình cho tinh thần cố gắng vươn lên này. Bạn xứng đáng là một gương sáng cho những sinh viên khác ngưỡng mộ và noi theo.